Vì sao suy dinh dưỡng thấp còi, chậm cao thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi

23/10/2023
Chia sẻ:
5233

Suy dinh dưỡng thấp còi là gì?

Suy dinh dưỡng thấp còi là tình trạng trẻ phát triển chậm về chiều cao, chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ trước 3 tuổi, nguyên nhân phần lớn do suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài. Những trẻ mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi có nguy cơ kém phát triển chiều cao khi trưởng thành, dễ mắc bệnh, sức khỏe lao động kém hơn so với người bình thường và có nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt, các bé gái bị tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi khi trưởng thành, sinh con sẽ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thấp còi. 



Nguyên nhân

Thiếu kiến thức về nuôi dưỡng:

  • Mẹ thiếu sữa, nuôi trẻ bằng nước cháo, bột loãng.
  • Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
  • Kiêng khem không đúng khi trẻ bị bệnh: tiêu chảy, ho, viêm phổi. 
  • Chất lượng bữa ăn không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng: bột muối, mì chính, cháo ăn liền,...; không dùng sữa công thức theo đúng lứa tuổi mà uống sữa pha sẵn.

Do bệnh lý:

  • Bệnh lây nhiễm trùng tiên phát: sởi, lỵ, tiêu chảy kéo dài. 
  • Bệnh lý rối loạn chuyển hóa, kém hấp thu: bất dung nạp lactose, hội chứng ruột ngắn,...

Yếu tố khác: 

  • Đẻ non, đẻ yếu, SDD thai.
  • Dị tật bẩm sinh, di truyền: tim bẩm sinh, hội chứng Down,...
  • Thể tạng tiết dịch: chàm, hội chứng kém hấp thu,...
  • Điều kiện môi trường: ô nhiễm môi trường, dịch vụ y tế,...

Hậu quả

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng thấp còi làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng.

Trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi có xu hướng bắt đầu đi học muộn hơn, bỏ học và khả năng học tập kém hơn do tổn thương não bộ và chậm phát triển trí lực trong những năm đầu đời.

Những người trưởng thành từng bị thấp còi khi còn nhỏ thường có xu hướng mắc các bệnh như cao huyết áp. Phụ nữ bị thấp còi có xu hướng sinh con nhỏ và nhẹ cân – do đó tạo ra vòng luẩn quẩn của tình trạng dinh dưỡng kém, ảnh hưởng tầm vóc của thế hệ sau.

Phòng ngừa

Về dinh dưỡng

Tất cả trẻ em cần được cho bú mẹ sớm (trong vòng một giờ đầu sau sinh) và cho bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, và tiếp tục bú đến 2 tuổi. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì trẻ cần được bổ sung sữa bột công thức phù hợp với tháng tuổi. Khi trẻ đã lớn vẫn cần được bổ sung canxi bằng cách uống sữa đều đặn mỗi ngày, bởi canxi trong sữa dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác.

Chất đường bột

Vai trò: Tinh bột (carbohydrate) là chất cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của các tế bào trong cơ thể. Có 3 loại tế bào trong cơ thể chỉ sử dụng chất bột đường làm nguyên liệu sinh năng lượng: tế bào não, tế bào hồng cầu, tế bào cơ. Vì vậy chất bột đường cần thiết cho cả hoạt động thể lực của cơ bắp lẫn các hoạt động trí tuệ của các tế bào não. 

Có nhiều trong các loại ngũ cốc như gạo, lúa mì, yến mạch, các loại khoai (khoai tây, khoai mì, khoai sắn,…), cơm, bún, miến, hủ tiếu, phở, bánh mì, các loại hạt (hạt điều, hạt óc chó, hạt mắc ca, hạt bí,…), các loại rau xanh và các loại đậu.

Chất đạm

Vai trò: Xúc tác hầu như tất cả các phản ứng hóa học trong cơ thể, điều chỉnh biểu hiện gen, giúp sửa chữa và xây dựng các mô của cơ thể, tăng khối lượng cơ bắp, duy trì khối lượng xương, giảm huyết áp, giảm cảm giác đói, giảm mức độ thèm ăn, tăng cường trao đổi chất và hiệu suất chuyển hóa chất béo thành năng lượng.

Có nhiều trong sữa, thịt động vật (gia súc, gia cầm, hải sản,…), lòng trắng trứng và trong các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu nành, đậu que,…).

Chất béo

Vai trò: Giúp xây dựng cấu trúc cấu trúc màng tế bào, hỗ trợ phát triển trí não, xương, thị giác, hệ miễn dịch, sức khỏe tim mạch cho bé. 

Trong cơ thể, chất béo có chức năng như một kho dự trữ năng lượng quan trọng. Chúng cũng giúp hòa tan vitamin A, D, E, K cho cơ thể hấp thụ. Những vitamin này không thể được hấp thụ nếu thiếu chất béo. 

Có nhiều trong mỡ động vật, lòng đỏ trứng, dầu oliu, quả bơ, dầu ăn công nghiệp hoặc trong các loại hạt và các loại đậu.

Vitamin và khoáng chất

Vai trò: Được xem là những chất dinh dưỡng thiết yếu bởi vì khi phối hợp với nhau, chúng thực hiện hàng trăm vai trò trong cơ thể. Trẻ cần cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất để phát triển khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao cho con trẻ.

Có nhiều trong các loại rau xanh, củ và trái cây tươi.

Trong đó, canxi, vitamin D3 và vitamin K2 là “bộ ba thần thánh” có ảnh hưởng trực tiếp đến mật độ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quyết định chiều cao của trẻ.

Vitamin D3 đóng vai trò tổng hợp Canxi hấp thụ vào máu và Vitamin K2 sẽ là trung tâm giúp chuyển hóa Canxi vào xương và làm tăng mật độ xương. Vì thế, để bé phát triển chiều cao phải bổ sung đủ cả 3 dưỡng chất Canxi, vitamin D3 và vitamin K2.



Về vận động

Khuyến khích con trẻ tham gia các chương trình giải trí hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Mỗi ngày nên cho con ở ngoài trời hoạt động từ 30 – 60’. Hoạt động tích cực sẽ giúp trẻ tiêu hao nhiều năng lượng, khiến trẻ mau đói, và kích thích sự ham muốn ăn uống tự nhiên ở trẻ. Để trẻ được phát triển toàn diện khỏe mạnh và thông minh, cha mẹ cần quan tâm đến chế độ tập luyện các môn thể thao phù hợp với trẻ như bơi lội, đạp xe, điền kinh, bóng rổ, cầu lông…

Hành trình làm cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng, luôn xen lẫn với những vất vả, khó khăn nhưng cũng không kém phần hạnh phúc, tự hào. Hãy để Viện Dinh Dưỡng TP.HCM giúp bậc phụ huynh dễ dàng trao trọn cơ hội phát triển toàn diện cho con.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng của Viện với hơn 20 năm kinh nghiệm trong khám, điều trị, nghiên cứu nhằm nâng chuẩn dinh dưỡng và phát triển tầm vóc của người Việt, sẽ giúp con cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, chậm tăng chiều cao.

Các bậc cha mẹ hãy bắt đầu ngay hôm nay, hãy cùng trẻ đến Viện Dinh Dưỡng TP. HCM để được các Bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.

Đặt lịch khám với các chuyên gia của Viện Dinh Dưỡng TP. HCM nhằm tối ưu chiều cao cho con: 

Nguồn ảnh: Freepik

Tài liệu tham khảo:
1. Thế nào là thể dinh dưỡng thấp coi? (Xem chi tiết)
2. Sách Dinh dưỡng học-trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
3. Sách Dinh dưỡng trong điều trị Nhi khoa - Trường ĐH Y Hà Nội
Ảnh: freepik
 


Các Nội Dung Khác